Qua đời Lê_Túc_Tông

Ngày 8 tháng 11 âm lịch (13 tháng 12 dương lịch) năm 1504, linh cữu Lê Hiến Tông được mai táng ở Dụ Lăng, Lam Kinh (Thanh Hóa ngày nay). Lễ bộ tâu xin soạn văn bia kể công đức của tiên đế. Lê Túc Tông chuẩn tấu, sai nhóm văn thần Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm ThịnhTrình Chí Sâm soạn văn bia. Cùng hôm đó, sức khỏe nhà vua bắt đầu suy sụp.[1] Sau một tháng đau ốm, nhà vua thấy không qua khỏi, lại không có con nối ngôi. Ngày 6 tháng 12 âm lịch năm 1504 (10 tháng 1 dương lịch năm 1505), Túc Tông dụ cho các đại thần Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng cùng các quan văn võ:[1]

Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiền minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn; thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi.

— Lê Túc Tông

Ngày 7 tháng 12 âm lịch năm 1504 (11 tháng 1 dương lịch năm 1505), bệnh của Túc Tông trở nặng. Hôm sau, ngày 8 tháng 12 âm lịch năm 1504, Túc Tông qua đời tại điện Hoàng Cực, hưởng dương 17 tuổi, có di chiếu cho triều đình để tang theo quy chế cổ. Ngày 18 tháng 12 âm lịch năm 1504 (22 tháng 1 dương lịch năm 1505), các đại thần đến điện Hương Minh đón con thứ hai của Lê Hiến Tông là Lê Tuấn lên ngôi, tức Hoàng đế Lê Uy Mục.[1]

Bấy giờ, Lễ bộ hữu Thị lang Nguyễn Bảo Khuê đang trên đường đi sứ nhà Minh để cầu phong cho Túc Tông nhưng chưa qua cửa ải. Triều đình lại sửa đổi tờ biểu cầu phong khác giao cho Bảo Khuê mang đi[6].

Ngày 16 tháng 2 âm lịch (21 tháng 3 dương lịch) năm 1505, triều đình dâng miếu hiệu cho ông là Túc Tông (肅宗) và thụy hiệu là Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Đôn Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng Đế (昭義顯仁溫恭淵默惇孝允恭欽皇帝). Đời sau gọi ông là Túc Tông Khâm Hoàng đế (肅宗欽皇帝), Khâm Hoàng (欽皇) hay Tự Hoàng Thuần (嗣皇㵮).[1]

Tháng 3 âm lịch năm 1505, linh cữu Túc Tông được đưa về Lam Kinh, an táng ở Kính Lăng (敬陵). Lễ quan xin dựng văn bia kể công đức Túc Tông. Vua Uy Mục nghe theo, sai các văn thần Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm soạn văn bia Kính Lăng.[1]

Khi Lê Túc Tông lên ngôi vào tháng 6 âm lịch năm 1504, có tuyên bố sang năm sau sẽ đổi niên hiệu là Thái Trinh. Tuy nhiên, vị hoàng đế trẻ mất ngày 8 tháng 12 âm lịch năm 1504, nghĩa là trước khi năm âm lịch 1504 kết thúc (ngày 30 tháng 12 của năm âm lịch 1504 rơi vào ngày 3 tháng 2 năm 1505 dương lịch). Do vậy, niên hiệu được sử dụng trên thực tế trong suốt thời trị vì của Túc Tông vẫn là Cảnh Thống, niên hiệu của tiên đế Lê Hiến Tông. Đến ngày đầu năm âm lịch 1505 (tức ngày 4 tháng 2 năm 1505 dương lịch), Lê Uy Mục mới chính thức đổi niên hiệu thành Đoan Khánh.[7]